Tiếng trống tan trường đổ một hồi dài khiến cả lớp nhấp nhổm.
Lớp học đang im phắt bỗng vang lên những tiếng gấp tập loạt soạt lẫn những tiếng trò chuyện râm ran.
Ở trên bảng cô Diệu Lý cũng đang thu xếp sổ sách cho vào cặp. Trước khi bước ra khỏi lớp, cô còn quay lại dặn:
- Các em nhớ ôn bài cho kỹ đấy nhé ! Nhất là em Long, cô không muốn em làm trò cười một lần nữa !
Cô vừa khuất sau cánh cửa, cả lớp lập tức nhao lên. Bọn con gái la hét chí choé khi bị tụi con trai xô lấn chen nhau ra cửa. Một vài đứa ngổ ngáo nhảy tót lên bàn phóng vù qua cửa sổ, bất chấp thầy giám thị có đứng ở hành lang hay không.
Tiểu Long không buồn chen lấn như các bạn. Nỗi buồn sáng nay vẫn còn cuốn chặt lấy nó làm thân hình vạm vỡ của nó bỗng chốc xụi lơ, tay chân cất lên không muốn nổi.
Khi cô Diệu Lý kêu nó lên trả bài. Cô dạy môn vật lý là môn học xưa nay nó vẫn uý kị. Sau môn toán, vật lý và hoá học là 2 môn nó sợ nhất.
Cô Diệu Lý không bắt no viết công thức hoặc tính này nọ lôi thôi. Cô chỉ hỏi nó về sự giãn nở của vật chất dưới tác dụng của nhiệt. Nói chung, đó là những câu hỏi dễ mà bất kì một học sinh nào cũng ao ước. Có lẽ biết trình độ nó chẳng giỏi giang gì nên cô không muốn gây khó cho nó.
Tất nhiên ấp úng một hồi, Tiểu Long đáp cũng trôi. Nhưng đến khi cô Diệu Lý bảo nó cho một ví dụ về hiện tượng vật chất nở ra khi nóng lên và co lại khi lạnh đi thì nó tắc tị.
- Sao, em nghĩ ra chưa? - Thấy nó đứng "ăn vạ" lâu lắc, cô sốt ruột hỏi.
- Dạ, chưa ạ! - Tiểu Long mặt mày nhăn nhúm.
Cô gõ gõ cán viết xuống bàn, gợi ý:
- Em cố nhớ xem trong những vật em nhìn thấy hoặc tiếp xúc hàng ngày có vật nào diễn ra hiện tượng này không?
Tiểu Long lại nhíu mày. Nhưng dù cố moi óc, nó vẫn chẳng nhớ ra vật nào giống như vậy. Có thể lúc bình thường nó chẳng khó khăn gì để tìm ra một vài ví dụ nhưng những lúc căng thẳng như thế này, đầu óc nó bỗng xơ cứng, không làm sao đào ra một ý nghĩ ra hồn.
Tiểu Long đổi chân lia lịa, môi mím chặt, hai tay nắm lại như đang phải đánh nhau với một đối thủ vô hình. Mấy chục cặp mắt ngồi dưới đang chong vào nó khiến mồ hôi trên trán nó không ngừng vã ra.
Vẻ khổ sở của nó làm cô Diệu Lý động lòng. Cô nhìn nó, dịu dàng:
- Nếu không nghĩ ra thì thôi! Em về chỗ đi!
Được cô tuyên bố "tha bổng", Tiểu Long mừng rơn. Nó bước lại bàn, rụt rè cầm lấy cuốn tập chuẩn bị trở về chỗ ngồi nhưng đúng vào lúc dợm quay người đi khôg hiểu ma xui quỉ khiến thế nào nó chợt nhớ ra một điều liền hân hoan ngước nhìn cô giáo:
- Thưa cô, em nghĩ ra rồi ạ!
- Ồ, hay quá! - Cô Diệu Lý vui vẻ kêu lên - Thế vật gì nở ra khi nóng lên và co lại khi lạnh đi vậy?
Tiểu Long hí hửng:
- Thưa cô, thời gian ạ!
- Thời gian? - Môi cô Diệu Lý vẽ thành hình chữ O.
Không chỉ cô mới ngạc nhiên trước câu trả lời kỳ dị của Tiểu Long. Tụi bạn ngồi dưới, kể cả Quý ròm và nhỏ Hạnh, đều há hốc miệng.
Thái độ của mọi người khiến Tiểu Long cảm thấy chột dạ. Nó chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì cô Diệu Lý đã hỏi tiếp, giọng chưa hết sửng sốt:
- Tại sao lại là thời gian?
Linh cảm có chuyện gì đó không ổn nhưng không đủ thì giờ để suy nghĩ, Tiểu Long đành bấm bụng đáp theo những gì vừa xẩy ra trong đầu:
- Thưa cô, bởi vì những ngày hè nóng nực thường dài ra, còn những ngày mùa đông lạnh lẽo thường thun ngắn lại ạ!
Tiểu Long vừa dứt lời, lớp học đang yên lặng bỗng nổ ra một trận cười ngặt nghẽo. Có đứa gập người trên bàn, cười nghiêng ngả, bút thước tập vở rơi vãi tung toé.
Tiểu Long mặt tái xanh. Nó lấm lét nhìn cô, thấy cô đang giữ vẻ mặt nghiêm nghị một cách khó khăn. Dường như cô đang cố nín cười.
- Thôi, cho em về chỗ! - Mãi một lúc cô mới lên tiếng - Cô nghĩ em cần phải học cách phân biệt môn vật lý với môn kể chuyện cười!
Rồi cô quay xuống lớp, đập đập cây thước kẻ lên bàn:
- Các em ổn định lại trật tự đi nào!
Cô phải lặp đi lặp lại hai, ba lần, lớp học mới dần dần bớt huyên náo.
Nhưng sự im ắng kéo dài chẳng được bao lâu. Khi Tiểu Long lủi thủi ôm tập đi xuống, những âm thanh "hí hí" lại thi nhau nổi lên như chuột rúc dọc theo các dãy bàn nó đi qua.
Cho đến khi ngồi vào bàn, Tiểu Long vẫn chưa hết hoang mang. Mặt mày ngơ ngơ ngác ngác, nom nó lúc này giống hệt như người vừa từ trên cung trăng rớt xuống.
Tiểu Long chỉ sực tỉnh khi Quý ròm huých khuỷu tay vào hông nó, tặc lưỡi hỏi:
- Bộ khùng hả mày?
- Tao có làm gì đâu! - Tiểu Long ấp úng.
Quý ròm nheo mắt:
- Câu ví dụ vừa rồi mày học được ở đâu vậy?
- Tao quên rồi! - Tiểu Long liếm môi - Nhưng tao thề với mày là tao không bịa ra! Tao nhớ là tao đã từng đọc được ở đâu đó!
- Thì tao đâu có bảo mày bịa! - Quý ròm nhún vai - Nhưng mày có biết là mày đọc được ở đâu không?
Tiểu Long lắc đầu:
- Tao đã nói rồi! Tao không nhớ!
- Nhưng mà tao nhớ! - Quý ròm khịt mũi - Mày đọc được câu đó ở trong các mẩu chuyện tiếu lâm! Đó là một ví dụ bố láo, dùng để chế giễu những người như... mày vậy!
Tiết lộ của Quý ròm khiến mặt Tiểu Long mếu xệch. Bây giờ thì nó hiểu tại sao cả lớp cười ầm về câu trả lời của nó, còn cô Diệu Lý thì bảo nó phải học cách phân biệt môn vật lý với môn kể chuyện cười.
Nhỏ Hạnh ngồi ở đầu bàn, bên tay trái Quý ròm. Nó không nói gì, chỉ nhìn Tiểu Long cười cười. Nhưng chỉ chừng đó thôi đủ khiến Tiểu Long thấy hai tai nóng bừng.
Tiểu Long học yếu nhiều môn, nhất là toán và lý hoá. Và cái chuyện học kém của nó không phải là điều gì bí mật. Trong lớp ai chẳng biết nó là học sinh trung bình yếu. Thầy Hiếu dạy Toán, cô Diệu Lý dạy Vật lý, cô Kim Anh dạy Hoá học, ba người này không kêu Tiểu Long lên bảng thì thôi, còn hễ động tới nó, bao giờ nó cũng chứng minh cho các thầy các cô thấy là không có ai trên đời học dốt hơn mình.
Nói chung, Tiểu Long không sợ bị điểm kém. Nó đã quen với việc lên trước bảng đóng vai ông phỗng đá cho bạn bè "chiêm ngưỡng". Thoạt đầu, đứng phơi mình ra trước hàng chục cặp mắt lúc nào cũng thô lố, Tiểu Long cảm thấy nhột nhạt tợn. Nhưng chuyện gì cũng vậy, cứ lặp đi lặp lại mãi thành quen. Về sau này, Tiểu Long cứ lì ra.
Tiểu Long không sợ không trả bài được. Nhưng chuyện sáng nay khác hẳn. Không những không trả bài được, nó còn biến thành trò cười cho cả lớp. Chung qui chỉ tại câu chuyện tiếu lâm chết tiệt nó từng đọc được ở đâu đó. Nhưng khổ nỗi lúc đó nó đâu có biết câu trả lời ngớ ngẩn của nó được "trích dẫn" từ truyện tiếu lâm. Nó cứ đinh ninh nó đọc những đièu đó từ sách giáo khoa. Thế mới khổ!
Đến khi nghe Quý ròm kể ra nguồn gốc xuất xứ, nó mới bật ngửa. Từ lúc đó, ngực Tiểu Long nặng trịch như đeo đá. Cũng may, tụi bạn cùng lớp chỉ cười rộ lên một lúc rồi thôi, chứ nếu tụi nó cứ nhắc chằm chặp về cái sự giãn nở của thời gian để trêu nó, Tiểu Long chỉ có nước độn thổ.
Nỗi buồn đeo đuổi Tiểu Long trên suốt đường về. Ngay cả khi nhỏ Hạnh rẽ sang đường khác, chỉ còn lại nó với Quý ròm lếch thếch bên nhau, Tiểu Long vẫn một mực làm thinh rảo bước:
- Bộ mày á khẩu rồi hả?
Đi một hồi, không chịu đựng nổi không khí nặng nề, Quý ròm hắng giọng gắt.
Tiểu Long vẫn không nói gì, môi nó mím lại.
- Buồn làm quái gì! - Quý ròm nhún vai - Vấn đề là phải cố! Mày làm biếng bỏ xừ!
- Tao cố hoài mà chẳng thấy ăn thua! - Giọng Tiểu Long đau khổ.
- Cố cái mốc xì! - Quý ròm bĩu môi. Hễ thấy toán, lý, hoá là mày bỏ chạy dài!
Tiểu Long gân cổ:
- Tao chạy hồi nào! Tao...
Câu nói chưa kịp thoát ra khỏi miệng Tiểu Long bỗng tắt ngang. Mắt nó vừa thoáng thấy thầy Hiếu đang lững thững từ xa đi lại. Thầy vừa đi vừa nhìn ra giữa đường, không trông thấy tụi nó nhưng trống ngực Tiểu Long vẫn đập loạn.
Quý ròm cũng vừa kịp trông thấy thầy. Nó liền đứng lại đợi. Nhưng ngay khi đã đến gần, thầy vẫn không nhìn thấy các học trò của mình. Dường như thầy đang bận nghĩ ngợi chuyện gì, mắt lơ đãng nhìn đi đâu.
Chẳng biết làm sao, Quý ròm đành nhích ngang một bước, hắng giọng:
- Chào thầy ạ!
Thầy Hiếu hơi giật mình. Thầy ngoảnh lại:
- À, Quý hả? Em đi đâu đấy?
- Dạ tụi em đi học về ạ!
Thầy Hiếu tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Tụi em à? Tụi em là ai?
Câu hỏi của thầy khiến Quý ròm sửng sốt. Nó không hiểu tại sao hôm nay thái độ của thầy lại kỳ dị như vậy. Tuy vậy, Quý ròm vẫn lễ phép thưa:
- Dạ, tụi em là... hai đứa em! Tức là em và...
Vừa nói Quý ròm vừa quay sang bên cạnh định trỏ vào Tiểu Long nhưng mặt nó bất giác thộn ra. Tiểu Long biến đâu mất.
Quý ròm quay thêm một vòng đúng 360°, vẫn công cốc. Thằng bạn mới trò chuyện với nó đây dường như đã bốc hơi khỏi mặt đất. Bây giờ thì nó hiểu tại sao thầy Hiếu lại lộ vẻ lah lùng khi nó dùng chữ "tụi em" để xưng hô với thầy.
Vẻ lúng túng của Quý ròm khiến thầy động lòng. Thầy vỗ vai nó, mỉm cười:
- Có lẽ em cần phải chơi một môn thể thao nào đó cho đầu óc được thư giãn! Không nên học hành căng thẳng quá!
Nói xong, không để Quý ròm kịp phản ứng, thầy vội vàng rảo bước.
Quý ròm đứng đực giữa trời nhìn theo thầy, bụng tức Tiểu Long anh ách. Chính tại thằng bạn nhát cáy này mà thầy tưởng thần kinh Quý ròm bị "trục trặc".
Thật oan còn hơn oan Thị Kính!
- Tiểu Long!
Quý ròm bắt tay lên miệng hét toáng.
Không thấy động tĩnh gì, nó càng cáu:
- Mày chu nhủi ở xó xỉnh nào thế? Có mau bước ra hay không?
Quý ròm gọi đến lần thứ hai thì bụi cây thấp đằng trước căn nhà có cổng rào hoa giấy khẽ lay động và mái tóc húi cua của Tiểu Long từ từ nhô lên giữa các cành lá.
Quý ròm gầm gừ:
- Mày làm cái trò gì vậy?
- Tao trốn!
Tiểu Long bước ra, nó vừa đáp vừa rụt cổ.
- Trốn ai? - Quý ròm tròn xoe mắt - Sao lại phải trốn?
- Thì trốn thầy Hiếu! Tao ngại giáp mặt thầy!
- Ối trời! - Quý ròm vừa la trời vừa đưa hai tay lên - Ở ngoài đường chứ đâu phải ở trong lớp mà mày sợ! Thầy có bắt mày giải bài tập ngay tại đây đâu!
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:
- Ai chẳng biết vậy! Nhưng tao vẫn cứ thấy sờ sợ thế nào! Tốt nhất là chuồn quách vào bụi!
Cái lối lập luận của Tiểu Long khiến Quý ròm chỉ biết lắc đầu. Nó tặc lưỡi:
- Thế trước nay mà đã đánh bài chuồn như thế này bao nhiêu lần rồi?
- Ôi, nhiều lần lắm! - Tiểu Long thản nhiên đáp - Hễ nhác thấy thầy Hiếu, cô Kim Anh hay cô Diệu Lý thấp thoáng đằng xa là tao lỉnh!
- Ối trời ơi!
Lời tự thú của Tiểu Long khiến Quý ròm ôm bụng cười gập cả người.
Nhìn bạn, Tiểu Long vừa thẹn vừa giận. Nhưng nó không nói gì, chỉ lặng lẽ bỏ đi một mạch.
- Này, này, mày đi đâu đấy? Đợi tao với! - Quý ròm vừa quệt nước mắt vừa gọi với theo.
Mặc cho bạn gọi, Tiểu Long vẫn cắm cúi rảo bước.
Thái độ của Tiểu Long khiến Quý ròm hốt hoảng. Nó lật đật chạy theo:
- Gượm đã! Đứng lại tao nói cái này cho nghe nè!
- Đứng lại cho mày cười nữa chứ gì?
Giọng Tiểu Long đượm giận dỗi. Tuy vậy, nó vẫn chậm bước lại.
- Tao chẳng thèm cười mày nữa đâu! Tao chỉ muốn chỉ cho mày cách khỏi sợ thầy cô thôi! - Quý ròm trờ tới đi song song với bạn.
Tiểu Long liếm môi:
- Cách gì?
Quý ròm ưỡn ngực:
- Tao sẽ "phụ đạo" thêm cho mày!
- Mày kèm tao học?
- Ừ! - Quý ròm hào hứng - Tao kèm cho mày một thời gian, mày sẽ chẳng còn sợ các môn toán, lý, hoá nữa ! Ra đường gặp thầy cô, mày sẽ đi đứng hiên ngang, chẳng còn cảnh trốn trốn nấp nấp như vừa rồi!
Viễn cảnh Quý ròm vẽ ra sáng sủa đến mức Tiểu Long nuốt nước bọt ừng ực. Được một "siêu học sinh" như Quý ròm tận tình hướng dẫn thì đến lừa cũng có thể làm được toán chứ chẳng phải chơi!
Nhưng mắt Tiểu Long mới vừa sáng lên đã vội cụp ngay xuống. Nó lắc đầu:
- Thôi, tao không học với mày đâu!
Lời từ chối của Tiểu Long hoàn toàn bất ngờ đối với Quý ròm.
- Mày có nói lộn không đấy? - Quý ròm ngơ ngác hỏi, nó như không tin vào tai mình.
- Tao nói thật! - Tiểu Long thở dài.
- Nhưng tại sao? - Quý ròm nhìn chăm chăm vào mặt bạn.
Tiểu Long ngó lơ chỗ khác, đáp lấp lửng:
- Tao học với mày cũng chẳng ăn thua gì đâu!
- Sao lại chẳng ăn thua? - Quý ròm cáu sườn - Chẳng lẽ mày không tin tao đủ sức kèm mày?
- Không phải tao không tin! - Tiểu Long khịt khịt mũi - Nhưng học với mày nó sao sao ấy!
- Sao sao ấy là sao? - Quý ròm sốt ruột - Có gì thì nói đại ra, mày cứ bày đặt vòng vo! Hay ý mày muốn tao nói giảng bài khó hiểu?
- Không phải là khó hiểu, nhưng...
Nói tới đó, Tiểu Long ngừng lại và đưa tay lên gãi đầu.
Quý ròm nuốt nước bọt:
- Nhưng sao?
- Nhưng... mày quát tháo ghê quá! - Tiểu Long chớp chớp mắt - Nghe mày hò hét một hồi, bao nhiêu chữ nghĩa trong đầu tao biến sạch sành sanh! Học thế cũng bằng nước đổ lá khoai!
Quý ròm giương mắt ếch:
- Tao quát tháo mày hồi nào? Ai cũng bảo tao hiền khô mà!
Tiểu Long nhếch mép:
- Chỉ những ai chưa được mày kèm mới bảo mày hiền thôi!
- Thôi, được rôi! - Quý ròm toét miệng cười - Nếu vậy thì tao sẽ không quát tháo nữa! Kèm cho mày học, tao chỉ việc ngậm miệng suốt buổi là xong!
Tiểu Long hừ mũi:
- Nếu mày ngậm miệng suốt buổi thì tao chả cần học với mày làm gì! Tao học với tảng đá cũng được!
Quý ròm liền bá vai bạn:
- Thôi mà, võ sĩ gì mới đùa tí tẹo đã giận!
Rồi nó chìa ngón trỏ ra:
- Ngoéo tay nào!
Tiểu Long ngơ ngác:
- Ngoéo tay chuyện gì?
- Chuyện học chung chứ chuyện gì! - Quý ròm lấy giọng nghiêm trang - Đúng ba giờ chiều mốt, mày ghé nhà tao, bút thước tập vở đầy đủ, không được trễ một giây, rõ chưa?
Tiểu Long mỉm cười:
- Rõ!
Và nó chìa tay ra móc ngoéo với Quý ròm, bụng vẫn phập phồng không biết có nên tin những lời hứa hẹn của ông thầy còm nhỏm còm nhom này hay không.